6 điều thú vị có thể làm bạn thay đổi khi sống ở Ý
Những ai sống ở Ý một thời gian dài và hòa nhập sâu với văn hóa Ý chắc hẳn ít nhiều cũng đều bị thay đổi thói quen sống. Yến là một ví dụ.
Vậy những điều đó là gì?
Sống chậm hơn
Đây có lẽ là thay đổi lớn nhất mà sau vài năm ở Ý bạn sẽ chợt nhận ra. Tự nhiên bỗng một ngày kia, thay vì bon chen xã hội chạy ngược chạy xuôi, bạn chỉ muốn ra ngoài nằm dài tắm nắng, nghe nhạc và hưởng thụ cuộc sống.
Nếu như vậy thì xin chúc mừng, bạn đã thấm nhuần phong cách sống của người Ý! Họ vốn rất biết cách hưởng thụ cuộc sống ngay cả khi không có gì để làm, vốn được tóm gọn bằng ba chữ rất đơn giản: dolce far niente, tức là sự ngọt ngào của việc.. chẳng phải làm gì cả.
Họ luôn an nhiên, tự tại và thong dong. Một bữa tiệc gia đình có thể kéo dài hàng giờ và ai nấy đều chuyện trò rôm rả. Còn khi hẹn hò với bạn bè, việc “cao su” là điều không hiếm gặp.
Bởi vậy, môi trường sống ở Ý cũng làm cho mình cảm thấy thư giãn và thả lỏng hơn, mặc dù cuộc sống ở đâu thì vẫn luôn có sự cạnh tranh. Dần dà, cái nghệ thuật dolce far niente ấy cứ ngầm dần và làm thay đổi bạn lúc nào không hay.
Hơn nữa, khi sống trong một nơi mà đâu đâu cũng thấy các tác phẩm nghệ thuật hay phong cảnh lãng mạn thì bỗng dưng chuyện con người trở nên thi vị hơn cũng là điều dễ hiểu.
Chăm chút về thời trang
Chắc các chị em mê bóng đá Ý vẫn nhớ hình ảnh các cầu thủ Ý đẹp trai tóc mây bồng bềnh đóng vest bước xuống máy bay như những lãng tử chứ?
Không chỉ riêng cầu thủ, ngôi sao mà cả người Ý bình thường cũng cực kì để ý đến cách ăn mặc khi ra đường. Họ luôn chăm chút từng chi tiết để phối trang phục sao cho bắt mắt mà phù hợp hoàn cảnh. Chuyện, đất nước của thời trang mà!
Ngay cả việc ăn mặc vớ vẩn của 1 celeb nào đó cũng được lôi ra bàn tán trên sóng truyền hình. Có 1 lần Yến hú hồn khi nghe MC bình luận cách hoàng tử William phối màu áo không chuẩn. Trong khi đó nhìn qua thấy gia đình chồng ngồi nghe cứ gật gù.
Câu bình luận đầu tiên mà Yến hay nghe từ những người Ý mình biết khi họ gặp ai đó lần đầu là về ngoại hình. Phải, người Ý rất yêu thích cái đẹp và trọng bề ngoài. La bella figura (nghĩa đen: bề ngoài/ ngoại hình đẹp) là một trong những khái niệm cốt lõi của văn hóa Ý.
Xem thêm: La bella figura, nét đặc trưng của văn hóa Ý
Dần dần kết bạn với nhiều người Ý làm Yến cũng chú trọng hơn việc ăn mặc thế nào cho hợp lý. Mẹ chồng Ý của Yến từng nói một câu mà Yến quan sát thấy rất đúng: “Khi mình ăn mặc đẹp và phù hợp thì người khác cũng sẽ có sự tôn trọng dành cho mình hơn.”
Thói quen ăn uống thay đổi
Yến vẫn nhớ hồi mới qua Ý đi ăn pizza cố gắng lắm cũng chỉ ăn được một nửa. Bình thường Yến là người dễ ăn và có khả năng ăn uống rất tốt. Nhưng ở Việt Nam không quen ăn nhiều món từ bột mì. Đặc biệt, hồi đó không biết uống rượu vang, ăn phô mai là gì.
Vậy mà, chỉ 1 năm sau đó Yến có thể hoàn thành một cái pizza to đùng và biết nhấm nháp rượu vang. Rồi sau vài năm nữa đã có thể hoàn thành một menu kiểu Ý kéo dài hàng giờ với vô vàn món: khai vị, món chính, món phụ, món ăn kèm rồi là tráng miệng.
Xem thêm: Ăn uống ở Ý: ăn thế nào và sao cho phù hợp
Cuộc sống ở Ý có thể làm bạn ăn được các món mì Ý hàng ngày, biết phân biệt sơ sơ rượu vang nào ngon, hay bột pizza nào tốt.
Thậm chí, theo chiều hướng hơi “tiêu cực” hơn là bạn cũng có thể trở nên.. khó tính như người Ý trong việc ăn uống. Điều đó thấy rõ qua việc không thấy ăn đồ Ý ở đâu ngon như ở Ý.
Nói chung là sâu trong tận cùng tui vẫn là người con gốc Việt, chỉ thích ăn nhiều rau, các món bún nước và húp nước mắm. Nhưng bên cạnh đó, sau khi hòa nhập sâu với ẩm thực và cuộc sống ở Ý thì thói quen ăn uống của Yến thay đổi khá nhiều.
Có ai cũng thay đổi giống (hoặc không giống) Yến không?
Uống cà phê nhiều hơn
Người Việt Nam mình cũng hay uống cà phê và cà phê Việt rất ngon. Nên có thể với những ai vốn hay uống và thích cà phê điều này không ảnh hưởng nhiều.
Có điều khi đến Ý thì việc uống cà phê có thể sẽ được vươn lên “tầm cao” mới. Cái này không có nghĩa là cà phê Ý ngon hơn cà phê Việt. Mà đơn giản ở Ý cà phê đã trở thành một phần in sâu của văn hóa và cuộc sống hàng ngày.
Chưa ở đâu Yến thấy người ta uống cà phê nhiều đến vậy. Sáng mở mắt ra cà phê, đến khi đi làm pausa caffè (coffee break) 2-3 cữ 1 ngày, sau khi ăn trưa lại cà phê, mà mời cà phê cũng là cái thể hiện sự hiếu khách của chủ nhà.
Cũng chưa ở đâu Yến thấy nhiều loại cà phê đến mức như ở Ý. Thường ở Việt Nam 3 loại cà phê Ý phổ biến nhất là espresso, cappuccino và latte macchiato. Nhưng khi đi bar uống cà phê ở Ý bạn sẽ thấy nó cả một danh sách dài dằng dặc. Nào là cà phê không caffein, rồi cà phê orzo, cà phê shakerato, v.v…
Bởi vậy, sống ở đây riết Yến cũng tập uống cà phê (hồi trước cùng lắm là uống cappuccino). Mới đầu Yến tập uống espresso có đường, giờ lên đô còn biết nhận ra cà phê nào ngon hay dở.
Nói chuyện..bằng tay
Vẫn lấy ví dụ về bóng đá (thông cảm, hồi đó do mê cầu thủ mới có ngày hôm nay 😂), có ai từng tự hỏi vì sao mấy cầu thủ Ý hay chắp tay kiểu lạy trọng tài khi bị thổi phạt không?
Hồi đó Yến coi bóng đá cứ thắc mắc mãi, chẳng hiểu vì sao phải lạy lục. Sống ở Ý rồi mới hiểu, thì ra đó là cách người Ý nói chuyện! Kiểu chắp tay đó nghĩa là “Ủa hà cớ gì mà thổi phạt tui?”, hoặc ‘Tui đã làm gì mà nên nỗi đó”.
Người Ý nói chuyện rất sinh động, tay chân minh họa rồi giọng điệu rất hào sảng. Đôi khi không nói gì, chỉ nói bằng tay là hiểu nhau. Cử chỉ của người Ý có khi phải làm thành cuốn từ điển vì có rất nhiều kiểu.
Cho nên, khi sống ở đây và nói chuyện với người Ý nhiều, từ từ bạn cũng sẽ dễ nhiễm phong thái nói chuyện đó. Đôi khi nó ngấm dần một cách tự nhiên mà bạn không nhận ra. Cho đến bỗng dưng một ngày nói chuyện không múa tay minh họa..thấy hơi thiêu thiếu.
Làm quen với bidet
Hồi mới qua Ý, sau khi đến nhà mà Yến đã thuê ở Perugia, lúc mới bước vào nhà vệ sinh Yến hơi đứng hình vài giây.
“Tại sao lại có 2 cái bồn cầu ở đây?” 🤔
Sau khi được cô bạn cùng nhà người Ý giải thích, Yến mới vỡ lẽ: thì ra bidet là để rửa..cái ấy. Nói chung là bidet có công dụng y hệt vòi xịt ở Việt Nam, chỉ khác ở hình thù và vị trí.
Mặc dù bidet có gốc gác ở Pháp, nhưng Ý là nước châu Âu hiếm hoi dùng bidet trong hầu hết mọi nhà vệ sinh trong gia đình lẫn khách sạn.
Nếu sống ở Ý lâu dài và đã quen dùng bidet thì chắc hẳn đi du lịch ở các nước phương Tây khác bạn sẽ thấy thiêu thiếu gì đó, có phải không nào?
Hy vọng bài viết đã giúp cho bạn có một góc nhìn khác về cuộc sống và văn hóa Ý. Bạn có quan sát hay trải nghiệm gì khác? Hãy chia sẻ với Yến qua bình luận nhé!
*Chú ý: Hình ảnh trong bài được lấy từ Unsplash