Truot tuyet Dolomiti
Vùng Trentino - Alto Adige/Sudtirol,  Điểm đến

Kinh nghiệm đi trượt tuyết ở Alpe di Siusi (Dolomiti)

Cuối tháng 1 anh Ý nhà mình nằng nặc đòi đi trượt tuyết, mà phải leo lên tận dãy Dolomiti trên miền Bắc mới chịu. Vốn mong đi Dolomiti từ trước đến giờ, nên mặc dù chỉ là dân trượt amateur Yến cũng gật đầu cái rụp.

Nhà mình đi tổng cộng 4 ngày 3 đêm ở khu Alpe di Siusi/Val Gardena, trong đó 2 ngày dành cho tham quan và 2 ngày trượt tuyết. Khi đi về rồi, ngoài trình trượt tuyết đã được nâng cấp một chút, Yến phấn khích tới nỗi muốn quay lại đi đợt 2 liền do Dolomiti quá đẹp và đã làm mình hoàn toàn thay đổi về khái niệm trượt tuyết.

 Một phút quảng cáo cho Dolomiti

Dãy Dolomiti (tiếng Anh Dolomites) là một phần cuả vùng núi Alpes, nằm trải dài từ vùng Veneto đến vùng Trentino – Alto Adige/Sud Tirol. Đây là khu trượt tuyết lớn nhất nước Ý và là nơi có đường trượt Saslong tranh giải World Cup hàng năm. Tổng cộng có 12 khu trượt với 1200km đường trượt, trong đó 500km được liên kết với nhau.

Dolomiti cả hè hay đông đều đẹp. Mùa hè cả dãy núi được phủ màu xanh rì của cây cỏ, xen lẫn hoa lá nên thích hợp đi trekking hay dạo bộ. Mùa đông thì nhuộm màu trắng muốt và trở thành thiên đường cho các môn thể thao mùa đông.

Các đường trượt ở đây rất phong phú với các cấp độ khác nhau và phù hợp mọi lứa tuổi. Đường trượt ở khu Alpe di Siusi/Val Gardena mà nhà mình đi không đến nỗi quá khó, nên rất thích hợp cho các bạn mới trượt như mình.

Kinh nghiệm đi lại ở Siusi/Alpe di Siusi

Đến Siusi như thế nào

Nhà mình sống ở Rome nên đi tàu đến Bolzano trước. Do đặt vé từ sớm trên Italo nên mua vé khá rẻ, chỉ khoảng 34 euro/ người cả đi lẫn về.

Chú thích: Bolzano là thủ phủ tỉnh Sud Tirol. Ở đây sân bay không phục vụ các chuyến bay dân dụng, mà chủ yếu chỉ có các chuyến bay charter. Nên cách đến khu vực này tiện nhất vẫn là đi tàu cao tốc. Nếu bạn sống ở các nước khác thì cần đến các sân bay lớn lân cận như Verona, Innsbruck, Milan, Bergamo..rồi đi shuttle bus hoặc tàu đến Bolzano.

Từ nhà ga Bolzano có 2 lựa chọn:

  • Bạn nào thích chủ động và muốn đi tham quan thêm ở các nơi khác ngoài trượt tuyết có thể thuê xe.
  • Còn không thì có rất nhiều dịch vụ shuttle bus đưa về tận nhà nghỉ ở khu Siusi. Bạn có thể check giờ và giá của shuttle bus công cộng trên trang Sudtirol Mobil. Giá vé từ Bolzano đến khu vực này khá rẻ (ví dụ từ Bolzano đi Fié allo Sciliar chỗ nhà nghỉ của Yến có 1,5 euro). Ngoài ra, có một số dịch vụ trung chuyển đến nhà nghỉ có thể đặt trước online như Sudtirol Transfer hoặc Book your shuttle. Giá của những dịch vụ này chắc chắn mắc hơn giá bus thường rất nhiều.

Sau khi cân nhắc lịch trình tham quan thì tụi mình quyết định thuê xe. Còn nếu bạn chỉ định đi trượt tuyết thôi thì thực ra nên đi shuttle bus, vì giá vé rẻ mà chất lượng dịch vụ lại tốt.

Chi phí thuê xe

Nhà mình thuê xe của hãng Global Rent-a-car.

Chi phí khá phải chăng: tổng cộng 4 ngày là 59 euro được bảo hiểm từ đầu đến chân (chưa kể tiền xăng). Hầu như các hãng cho thuê xe đều nằm bên ngoài trung tâm thành phố, nên khi đến nhà ga các bạn phải bắt bus công cộng. Như trong trường hợp nhà mình, bến xe tuyến 111 dừng ngay trước văn phòng hãng và đi chỉ 20 phút từ nhà ga nên rất tiện.

Từ Bolzano đến Siusi (thành phố dưới chân núi Alpe di Siusi) lái xe tổng cộng chỉ 30 phút. Vì là đường núi nên đa số đường toàn khúc cua, ban đêm khá tối nên các bạn nhớ vững tay chèo, ah quên tay lái nhé.

Đi lại ở Siusi/Alpe di Siusi

Ở khu vực này có rất nhiều tuyến skibus đến trạm cáp treo. Nên trong 2 ngày trượt tuyết ở đây nhà mình hầu như không đụng đến xe ôtô. Từ trạm cáp treo ở Siusi đi 15 phút là các bạn đã đến được Alpe di Siusi. Vé để đi skibus (Sudtirol Guest Pass) các bạn có thể hỏi tại khách sạn. Các bạn lưu ý đừng vứt vé này sau khi đi trượt tuyết xong, vì khi quay lại Bolzano nếu cần có thể sử dụng vé này để đi phương tiện công cộng.

Ve di skibus truot tuyet o Dolomiti
Ve skibus Sudtirol Guest Pass

Ngủ ở đâu

Các bạn nên đặt nhà nghỉ ở những thị trấn gần trạm cáp treo để lên Alpe di Siusi như Siusi, Castelrotto, Fié allo Sciliar. Tiêu chí nhà mình là ngon-bổ-rẻ, nên khi đặt phòng ưu tiên cho nơi nào giá cả phải chăng, có rating tốt mà gần trạm cáp treo nhất.

Cuối cùng tìm được Gasthof zum Schlern ở Fié allo Sciliar, cách trạm cáp treo chỉ 3km. Tổng cộng 3 đêm có kèm ăn sáng và ăn tối ở đây vào thời điểm mình đi là 334 euro cho 2 người.

Phòng khá rộng rãi và sạch sẽ, ăn sáng thì cũng tạm nhưng ăn tối thì phải nói là ngập mặt đúng theo nghĩa đen luôn. Trời ơi đêm nào ăn xong hai đứa cũng lăn đùng ra ngủ liền vì quá no. Ai đặt ăn tối ở nhà nghỉ có thể chọn một bữa ăn 3 món tuỳ thích từ mì, thịt, rau đến tráng miệng. Chất lượng đồ ăn khá là ổn.

Nha nghi Gasthof Zum Schlern o Fie Allo Sciliar
Nha nghi Gasthof Zum Schlern o Fie Allo Sciliar

Khu vực này đêm đến ra đường chắc chỉ có chơi với.. tuyết, nên Yến khuyên chân thành là nên đặt ăn tối ở tại nhà nghỉ. Một phần nữa là khi đi trượt tuyết về thường rất mệt, nên cũng không có sức mà lết đi đâu được. Bình thường đi trượt 5h chiều về, 6h ăn tối là 9h gà đã lên chuồng.

Một điểm cộng cho nhà nghỉ này nữa là trạm skibus ngay trước mặt và vé skibus được khuyến mãi miễn phí cho khách. Khi đến nơi chủ nhà nghỉ sẽ đưa cho bạn bản đồ, giờ giấc xe bus và thông tin skipass.

Ăn uống ở Dolomiti

Vùng Alto Adige/Sud Tirol có rất nhiều món ngon, kể ra cả trang cũng không hết. Có một số món khá giống các nước lân cận như Đức, Áo, Slovenia.. do đặc điểm địa lý và khí hậu. Dưới đây là một số món đặc trưng mà Yến đã ăn thử và thấy khá ưng:

  • Canederli: nhắc đến ẩm thực vùng Alto Adige hầu như ai cũng nghĩ ngay đến món này. Phần nhân bánh mì cũ được trộn lại thành từng viên cùng trứng, sữa, có thể được điểm thêm bằng speck (một loại thịt muối đặc trưng của vùng) hoặc phô mai, mùi tây và một số gia vị. Món này có thể ăn cùng nước súp, hoặc ăn kèm cùng thịt.mon canederli
  • Gulasch: món thịt hầm gulasch cũng có ở một vài nước phía Bắc và Đông Âu. Ngoài thịt bò truyền thống cũng có thể tìm thấy gulasch thịt nai ở một vài nơi. Ngoài món hầm thì súp gulasch cũng khá ngon. Yến đã ăn thử cả 3 loại thì thấy cái nào cũng thích.
    Món gulasch
  • Bánh mì đen: Yến bình thường không thích ăn bánh mì mấy, mà khi lên đây ăn ngày nào cũng phải ăn bánh mì làm từ lúa mạch đen phủ ngũ cốc. Phần nhân bánh rất mềm còn vỏ bánh giòn, ăn kèm cùng thịt hay speck thì ngon tái tê.
  • Polenta và speck: thú thật là trước đó ăn polenta (bột ngô) ở Roma thấy không thích mấy. Nhưng khi ăn đúng món ở đúng nơi, nhất là khi vừa trượt tuyết xong, phần polenta nóng hổi mềm mại hoà quyện cùng phô mai tan chảy, điểm xuyết bằng một lát speck làm cái lạnh của núi và sự mệt mỏi biến mất hoàn toàn.mon polenta va speck
  • Strudel di mele: Món bánh táo nóng hổi này là món tráng miệng rất đặc trưng của toàn vùng nên không thể không bỏ qua. 

Lịch trình tham quan và trượt tuyết ở Dolomiti 4 ngày 3 đêm

Ngày 1: Tham quan Bolzano

Sau 5 tiếng ngồi tàu từ Roma, 12h20 hai đứa đến Bolzano. Sau khi lấy xe ôtô đã đặt, do chỉ có một buổi chiều để tham quan Bolzano nên phải tranh thủ đi liền. Trung tâm thành phố cách nhà ga có 5-10 phút đi bộ và khá nhỏ, nên đi trong ngày là có thể xem hết các điểm chính.

Thực ra các điểm tham quan ở trong thành phố cũng không nhiều, và nói thật cũng không để lại cho Yến ấn tượng mạnh. Cái làm Yến thích nhất ở Bolzano là không khí của thành phố. Dọc khắp các con đường chính của trung tâm là các căn nhà xinh xắn đầy màu sắc, thỉnh thoảng lại bắt gặp những hình vẽ rất đặc trưng trên tường nhà ai đó.

Trung tam thanh pho Bolzano
Trung tâm Bolzano
Trung tam thanh pho Bolzano

Trước khi đến nhà nghỉ, tiện có ôtô nên hai đứa đi tham quan Earth pyramids of Ritten (tiếng Ý: le piramidi di terra del Renon). Từ Bolzano đến đây khoảng 30 phút. Trên đường đi cảnh núi đồi lướt qua lăng kính trong ánh hoàng hôn cực kì nên thơ và yên bình.

Khung canh yen binh cua nui doi trong chuyen di truot tuyet o Dolomiti
Khung cảnh yên bình của Dolomiti

Do đi theo Google Maps nên tới nơi chỉ thấy đồng không mông quạnh, phải hỏi 800 người và tìm hụt hơi mới ra được bãi đậu xe. Từ bảng chỉ dẫn đi thêm chừng 5 phút nữa ngay trước mắt mình hiện ra một công trình thiên nhiên rất ấn tượng: các mỏm đá hình chóp nằm san sát nhau kì vĩ một cách lạ thường.

Earth Pyramids of Ritten
Earth Pyramids of Ritten

Hơi tiếc một chút vì lúc đó trời bắt đầu nhá nhem tối nên hình lên không được nét lắm. Trời bắt đầu lạnh tê tái nên chụp được cái hình là phải thẳng tiến đến nhà nghỉ lấy sức hôm sau đi chinh chiến.

Ngày 2: Trượt tuyết ở Alpe di Siusi/ Val Gardena

Do thời gian trượt tuyết thường từ 8-9h sáng đến 4h chiều, nên ngày nào hai đứa cũng tranh thủ dậy sớm.

Sau 15 phút đi cáp treo từ Siusi, những hình ảnh núi tuyết đầu tiên ở Alpe di Siusi đã dần hiện ra. Cũng giống như hầu hết các khu trượt tuyết, đường trượt ở đây được chia làm 3 cấp độ chính: xanh dương (dễ), đỏ (vừa) và đen (khó).

Biển chỉ dẫn ở đây khá chi tiết nên không lo bị lạc. Khi đi trượt ở Campo Felice gần Roma, Yến chỉ dám trượt ở đường xanh dương nên khá là hồi hộp khi anh xã rủ lên level ở đây.

Lúc vừa thấy bảng màu đỏ và đường dốc là bắt đầu tim đập chân run. Phải mất 5 phút sau, lấy hết tim gan phèo phổi ra Yến mới dám can đảm trượt xuống, mà càng trượt càng sợ, chỉ biết.. hét và té lăn quay.

Vốn bản tính cứng đầu không chịu khuất phục, sau cú ngã đầu tiên Yến quyết tâm đứng dậy thử lại. Sau khi chân lý đã được chói qua tim, Yến mới thấy hoá ra trượt trên đường đỏ ở đây không hề khó. Các đường trượt ở Alpe di Siusi rất rộng nên khá dễ để tạo khúc cua và đi chậm lại.

Trượt tuyết ở Dolomiti

Qua được thời gian “sang chấn” tâm lý ban đầu, Yến bắt đầu tự tin trượt trên hầu hết các đường đỏ ở đây, thậm chí còn trượt được một đoạn ngắn của cấp độ màu đen. Chỉ riêng khu Alpe di Siusi mà đã có rất nhiều cáp treo để lên các khu trượt khác nhau. Hệ thống cáp treo ở đây cũng rất hiện đại, có cả kính chắn gió và ghế ngồi bằng da, khác hẳn so với khu trượt gần Roma.

Sau khi trượt được vài khu ở Alpe di Siusi, hai đứa quyết định đi sang thị trấn Ortisei Val Gardena. Trải nghiệm đi từ thị trấn này sang thị trấn khác không bằng xe oto mà bằng đường trượt trên khung cảnh núi non hùng vĩ, thỉnh thoảng lại nghỉ chân ở một quán bar dọc đường nhâm nhi polenta và speck, uống vài ly bombardino và punch nóng hổi là một cảm giác không bao giờ Yến quên được. Lúc đó mới hiểu vì sao Dolomiti lại nổi tiếng đến vậy.

Chú thích: bombardino và punch là đồ uống có cồn nóng rất phổ biến ở các khu trượt tuyết ở Ý.

Để đến thị trấn Ortisei từ Alpe di Siusi cần phải đi cáp treo ở ngay gần nhà hàng Mont Seuc. Từ trạm cáp treo Ortisei phải chịu khó vác ván trượt đi bộ chừng 5 phút để đến trung tâm thị trấn. Do có đồ trượt khá lỉnh kỉnh nên nhà mình không dừng lại ở thị trấn lâu. Nhưng qua ấn tượng ban đầu mình thấy Ortisei khá xinh xắn, sau này nếu có thời gian sẽ quay lại khám phá nhiều hơn.

Truot tuyet Dolomiti
Trung tâm Ortisei

Ngày 3: Khám phá Santa Cristina và cáp treo ngầm Ronda Express

Ngày thứ 2 đi trượt, hai đứa quyết định khám phá thị trấn Santa Cristina và đi thử cáp treo ngầm trong lòng đất Ronda Express. Đường đến thị trấn Santa Cristina từ Ortisei khá gian nan.

Từ trung tâm Ortisei đi bộ khoảng gần 10 phút là tới trạm cáp treo Seceda. Sau khi đi xuống cáp treo Seceda, để đến được cáp treo ngầm Ronda Express phải trượt một đoạn đường vừa dài vừa dốc ở Col Raiser.

Hôm đó tuyết không được tốt nên lại còn gồ ghề khiến việc trượt trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Cùng là cấp độ đỏ như nhau mà đường trượt quá dốc và không được to rộng như bên Alpe di Siusi.

Sau khi qua được đường trượt khó nhằn này và ăn uống xong là cũng gần 4h chiều. Hai đứa liền chạy vội đến trạm Ronda Express. Cảm nhận đi cáp treo ngầm trong lòng đất y hệt như đi metro, khá thú vị.

Lúc đến được Santa Cristina thì hai đứa chỉ kịp nhìn thị trấn từ trên cao. Xong phải co giò chạy vội về Alpe di Siusi do sợ hết giờ cáp treo.

Apres-ski với spritz tại Alpe di Siusi (Dolomiti)
Apres-ski với 1 ly spritz trước khi từ biệt Alpe di Siusi

Trước khi về nhà nghỉ, đôi bạn trẻ dừng ở quán bar ngay chân trạm cáp treo Siusi cho đúng phong trào après-ski (after-ski). Tưởng après-ski thế nào, hoá ra là đi bar có nhạc nhẽo xập xình để uống và nhảy nhót. Do quá mệt lẫn thêm đã có tuổi hai anh chị uống xong một ly spritz là xin kiếu và đi về. Nếu bạn nào thích đi après-ski thì bên Santa Cristina có nhiều bar nhộn nhịp hơn, chứ khu Siusi cũng không có gì mấy.

Ngày 4: Tham quan hồ Braies

Do tàu về lại Rome khoảng 2h chiều, nên buổi sáng ngày cuối hai đứa ghé hồ Braies tham quan. Xem nhiều hình về hồ Braies xanh biếc rất long lanh trên mạng, nên đây là ngày Yến kì vọng nhiều nhất. Ngày trước đó xem dự báo thời tiết thấy ngày này nắng đẹp nên lại càng háo hức.

Ai ngờ càng tiến về gần hồ thì lại càng lạnh, khung cảnh xung quanh chỉ phủ một màu tuyết trắng. Lúc đó đã bắt đầu thấy nghi nghi rồi. Rồi xong, xem lại nhiệt độ trên màn hình điện thoại thấy -7 độ.

Khi tới nơi không thể tin vào mắt mình. Trước mắt mình là một mặt hồ…trắng xoá trên nền núi tuyết.

Ho Braies trong tri tuong tuong

…Và thực tế là:

Ho Braies vao mua dong trong chuyen truot tuyet Dolomiti

Tuy khá là hụt hẫng nhưng thôi, tự nhủ có mấy ai được đi trên mặt hồ đâu. Đi dạo hết diện tích mặt hồ hai đứa ngậm ngùi đi về Bolzano. Đành hẹn hồ Braies dịp mùa hè nắng ráo vậy. Bởi vậy, kinh nghiệm xương máu là nếu các bạn muốn chiêm ngưỡng hồ Braies như trên mạng thì không nên chọn các tháng mùa đông quá lạnh.

Tổng chi phí chuyến đi trượt tuyết ở Dolomiti

Chi phí chi tiết của chuyến đi trượt tuyết và tham quan ở Dolomiti 4 ngày 3 đêm (chú ý chi phí dưới đây tất cả cho 2 người):

  • Vé tàu: 68 euro
  • Thuê xe: 59 euro 4 ngày + 50 euro tiền xăng
  • Khách sạn: 334 euro cả ăn sáng lẫn tối
  • Skipass: 204 euro 2 ngày (51 euro/người/ngày vào cuối tháng 1, nếu đi dịp cao điểm vào tháng 2 và 3 sẽ đắt hơn)
  • Thuê ván trượt hãng Fill Sporthaus: 73 euro 2 ngày. Nhà mình có sẵn giày trượt nên không phải thuê, với lại đặt trước trên mạng nên được giảm 20%. Nếu bạn muốn thuê cả giày cả ván thì xác định khoảng 35-40 euro/ người/ ngày.
  • Ăn uống linh tinh: 100 euro

TỔNG CỘNG: khoảng 444 euro/ người

Cần chuẩn bị và lưu gì trước khi đi trượt tuyết ở Dolomiti

Các thứ không thể thiếu khi đi trượt tuyết là:

  • Quần áo chuyên dụng: ngoài quần áo trượt tuyết là chuyện đương nhiên, các bạn lưu ý nên trạng bị thêm áo và legging giữ nhiệt, khăn giữ ấm cho cổ (nên dùng vải nỉ), găng tay chống thấm, tất (vớ) chuyên để trượt tuyết (hồi trước Yến không chú trọng việc này chỉ đi tất thường mà dày chút, sau này mới thấy tất chuyên dụng khác hẳn, vì giữ ấm và chống thấm tốt hơn).
  • Nón len hoặc nón bảo hiểm để trượt tuyết
  • Giày giữ ấm và chống thấm để đi trên tuyết sau khi gỡ giày trượt ra.
  • Kính râm, nếu không thì kính để trượt tuyết cũng được.
  • Kem chống nắng: các bạn đừng nghĩ lên núi tuyết lạnh mà chủ quan, vì khi có mặt trời vẫn nóng và làm cháy da như thường.

Có nên đặt gì trước cho việc trượt tuyết ở Dolomiti không? Theo ý kiến riêng của mình thì việc đặt trước một số dụng cụ trượt tuyết trước khi đi sẽ giúp bạn nắm giá và tiết kiệm một chút. Như tụi mình tiết kiệm được 20% khi đặt ván trượt online trước. Còn skipass thì tới tận nơi mua theo từng ngày cũng được nếu bạn chỉ đi trượt 2 ngày như nhà mình. Vé mua một lần cho nhiều ngày chỉ có lợi nếu ai đi trượt nhiều 3 ngày trở lên.


Đi trượt tuyết ở Dolomiti về rồi mới thấy trượt tuyết ở đây còn có nghĩa là giải trí, là thưởng thức ẩm thực, là cả du lịch qua các thị trấn và chiêm ngưỡng phong cảnh thiên nhiên.

Khu vực này được quy hoạch và tận dụng cực kì tốt không sót một góc nào. Ngoài Alpe di Siusi, khu vực Val Gardena còn rất nhiều tuyến trượt hấp dẫn khác.

Nếu các bạn từng đi trượt tuyết ở Dolomiti rồi thì để lại phản hồi cho mình biết trải nghiệm và ý kiến nhé!

Gửi phản hồi