Bí kíp ăn mì Ý chuẩn như người Ý
Mì Ý, hay còn gọi là pasta, là một trong những món quốc hồn quốc túy của ẩm thực Ý. Ở Việt Nam thường mì Ý hay đồng nghĩa với spaghetti. Thực tế có phải là như vậy? Người Ý ăn mì Ý như thế nào? Bài viết này sẽ giải đáp các thắc mắc này của bạn.
Các loại mì Ý
Mì Ý có phải là spaghetti? Đúng, nhưng chỉ là một phần!
Spaghetti là một trong rất nhiều loại pasta ở Ý. Có thể đây là pasta được sử dụng rộng rãi nhất thành ra mới nổi tiếng đến vậy.
Tổng cộng ở Ý hiện nay có khoảng trên 300 loại pasta (theo số liệu của AIDEPI, Hiệp hội các ngành bánh ngọt và pasta của Ý). Ngạc nhiên quá phải không các bạn? Yến tìm hiểu còn thấy bất ngờ nữa mà.
Pasta hay được phân biệt bởi bề mặt (nhẵn/sần sùi/có đường kẻ), cách làm (tươi/khô), hoặc hình dáng. Các loại hình pasta phổ biến nhất là:
- Mì sợi dài: spaghetti, fettuccine, vermicelli, bucatini, linguine..
- Mì dạng to rộng: lasagna
- Mì ống ngắn (ở Việt Nam hay gọi là nui): penne, rigatoni, fusilli, maccheroni..
- Mì nhồi với nhân: tortellini, ravioli..
- Mì dạng nhỏ (để ăn với nước súp): risoni, ditalini, maccheroncini…
Chỉ riêng spaghetti thôi mà ở Ý cũng có các loại khác nhau, tùy vào kích thước (sợi từ nhỏ đến to) rồi là hình dáng (vuông/tròn). Bởi vậy mới thấy thế giới mì Ý quá kì diệu phong phú!
Các lưu ý khi nấu mì Ý
Có một số bí kíp đơn giản mà bạn cần lưu ý nếu muốn nấu mì Ý như người Ý:
- Đợi nước sôi mới cho mì vào: Nước phải sôi bung lụa luôn mới được nha các bạn.
- Cho muối vào nước luộc mì: Thường khi nước sôi và trước khi cho mì vào, người Ý hay cho một nhúm muối hột (loại to). Điều này sẽ giúp sợi mì đậm đà hương vị hơn. Sau khi cho mì vào bạn nhớ thỉnh thoảng đảo chứ không mì sẽ dính nồi.
- Sốt đợi mì chứ mì không đợi sốt: Điều này cực kì quan trọng khi nấu mì Ý. Bạn nên cho mì vào luộc khi nước sốt đã hoặc gần sẵn sàng. Điều này giúp độ chín và độ nóng của mì được đảm bảo.
- Chú ý thời gian nấu mì: Thường người Ý thích ăn mì al dente, tức là chín nhưng vẫn còn cảm giác hơi cứng một chút khi nhai. Người Việt mình hay thích ăn chín mềm, nhưng người Ý gọi kiểu này là chín quá, quá chín. Nói chung là thích ăn chín cỡ nào thì nấu theo thời gian trên bao bì cỡ đó, vậy hen!
- Không xả mì bằng nước lạnh khi luộc xong: Như đã nói ở trên, mì cần được giữ độ nóng sau khi luộc. Nên các bạn lưu ý không làm nguội mì bằng cách xả nước lạnh khi đổ ra rổ.
- Giữ lại một ít nước luộc mì: Để làm chi? Khi sốt quá đặc bạn có thể làm loãng bớt bằng một ít nước luộc. Ngoài ra, có 1 bí kíp Yến học được nữa là trước khi mì chín, vớt mì ra cho vào nước sốt đảo cùng 1 ít nước luộc mì sẽ làm mì sánh và đậm đà hơn hẳn.
Cách ăn mì chuẩn Ý
Mì nào sốt nấy
Các loại hình và bề mặt mì sẽ quyết định độ bám nước sốt và tôn vinh hương vị khác nhau. Việc kết hợp đúng mì và sốt sẽ giúp mỗi nguyên liệu “lăng xê” lẫn nhau.
Hiệp hội AIDEPI thậm chí còn xuất bản một hướng dẫn về cách kết hợp các loại mì và nước sốt. Một số ví dụ:
- Spaghetti là loại mì phù hợp với rất nhiều loại sốt, từ hải sản, đến sốt cà chua, carbonara, hay chỉ với dầu thôi cũng ngon.
- Linguine thường được kết hợp với các loại sốt hải sản.
- Bucatini thì phù hợp với sốt amatriciana (sốt cà chua cùng thịt má muối), hoặc các loại sốt có cà chua và phô mai.
- Tagliatelle thì ngon nhất khi kết hợp cùng sốt thịt bò băm kiểu bolognese.
- Rigatoni (mì ống ngắn) được xem là sự kết hợp hoàn hảo nhất với sốt carbonara, do có thể giữ được cả sốt trứng lẫn thịt má muối. Ngoài ra rigatoni còn hợp với cả sốt thịt, rau, hoặc làm pasta bỏ lò.
Không dùng ketchup với mì
Ở Việt Nam việc này được xem là bình thường. Thế nhưng, nếu bạn đi ăn cùng người Ý thì không nên làm! Nếu không sẽ dễ nhận được phản ứng kiểu: 😱😱😱
Điều này tương đương việc một người nước ngoài nào đó cho curry vô phở trước mặt một người Việt.
Người Ý không bao giờ cho bất kì nước sốt nào khác lên sốt đã nấu sẵn. Ai thích ăn thêm gia vị thì cùng lắm họ cho thêm ớt hoặc tiêu thôi.
Ăn mì trước salad
Ở Ý thứ tự các món ăn trong một menu đầy đủ sẽ là:
- antipasto – khai vị
- il primo – món đầu tiên (thường là mì Ý hoặc cơm)
- il secondo – món thứ hai là thịt hoặc hải sản, thường ăn kèm với rau/salad (il contorno)
- cuối cùng là tráng miệng với trái cây/đồ ngọt rồi cà phê.
Người Ý rất ít khi ăn lẫn lộn mì Ý với salad, ngay cả ăn trong gia đình cũng vậy. Nên nếu muốn ăn chuẩn Ý thì bạn nhớ gọi salad sau khi ăn mì nhé.
Mì và nĩa là đôi bạn thân
Bạn nhớ khi ăn mì Ý chỉ nên dùng nĩa. Đối với các loại pasta ống ngắn thì không có vấn đề gì. Nhưng khi ăn các loại mì sợi dài thì dùng nĩa thế nào cho đúng?
Cách đơn giản nhất là lấy nĩa xuyên vào khoảng 2-3 sợi mì sau đó xoay vài vòng liên tiếp đến khi mì bám vào nĩa hoàn toàn.
Cái này cần thực hành nhiều mới quen tay. Hồi Yến mới đến Ý cũng làm hoài mới quen đó.
Sử dụng phô mai đúng lúc
Ở Ý khi ăn mì trên bàn ăn bạn sẽ thấy phô mai bào, thường là parmigiano (parmesan trong tiếng Anh). Người Ý thường cho một ít phô mai vào đĩa mì để giúp hương vị ngon hơn.
Thế nhưng, có phải lúc nào cũng cần cho phô mai vào mì? Điều này tùy thuộc vào việc bạn đang ăn mì gì. Thường người Ý không cho phô mai vào hải sản, ngoại trừ một vài món đặc trưng như món mì với vẹm và phô mai pecorino ở vùng Lazio.
Tráng đĩa bằng bánh mì
Ăn hết mì mà trong đĩa còn một ít nước sốt thì người Ý hay làm gì? Họ sẽ lấy một ít bánh mì quét hết nước sốt để ăn và tráng đĩa sạch sành sanh. Điều này được gọi là “fare la scarpetta”.
Tuy nhiên, họ thường hay “tráng đĩa” bằng bánh mì trong không khí thân mật ở nhà. Còn khi đi ăn ở nhà hàng, để giữ sự lịch sự thì việc này thường không được làm.
Việc ăn mì Ý tưởng đơn giản mà thực ra đó là cả một nghệ thuật. Hy vọng sau bài viết này, bạn sẽ sớm ăn mì Ý chuẩn như một người Ý chính hiệu!
One Comment
Pingback: