La bella figura, nét đặc trưng của văn hóa Ý
Người Ý vốn rất chú trọng về hình thức bề ngoài và làm sao để gây ấn tượng với người khác. Điều này được thể hiện qua ba chữ: la bella figura.
Đây là khái niệm rất đặc trưng trong văn hóa Ý và được thể hiện qua nhiều ngữ cảnh khác nhau. Nếu bạn sống ở Ý một thời gian sẽ dễ dàng nhận thấy điều này.
La bella figura là gì?
Bella nghĩa là đẹp, còn figura nghĩa đen là hình dáng/bề ngoài. Thường từ này hay được sử dụng trong cụm từ fare bella figura, có nghĩa là “tạo ấn tượng tốt”.
Đối với người Ý việc gây được ấn tượng tốt cho người khác rất quan trọng. Ở đây việc gây ấn tượng không chỉ đơn thuần là phong cách ăn mặc mà còn là cử chỉ, hành vi đẹp. Điều này thể hiện qua sự hào phóng, hiếu khách, hay cư xử lịch sự.
Nói chung, cứ nhận được nhiều lời khen hay để lại ấn tượng tốt là đã có bella figura!
Các ví dụ “kinh điển” cho la bella figura
Dưới đây là các khung cảnh điển hình mà bạn sẽ dễ bắt gặp ở Ý.
Ví dụ 1: Ăn mặc khi ra đường
Nếu như bạn để ý, vào mùa hè khi đi ngoài đường rất ít khi thấy người Ý mang dép xỏ ngón. Thay vào đó con gái Ý thường đi giày hoặc dép sandal có kiểu dáng đẹp. Dép xỏ ngón chỉ được sử dụng ở bãi biển, bể bơi hay đi trong nhà.
Chỉ một việc nhỏ như vậy thôi cũng thể hiện được tinh thần “fare bella figura”.
Quần áo, giày dép nào cũng có công dụng và hoàn cảnh riêng của nó. Không cái nào lẫn lộn với cái nào. Trang phục đi chơi ban ngày thì đẹp giản dị, còn đi chơi tối phải đẹp “long lanh lộng lẫy”.
Tất nhiên là không thiếu người ăn mặc xuề xòa, nhưng phần lớn trước khi ra đường người Ý luôn để ý chi tiết về cách ăn mặc. Ý là đất nước của thời trang và nghệ thuật, nên việc ăn mặc đẹp ở đây đã ngấm vào máu.
Bạn sẽ thấy rất nhiều cô ăn bận bắt mắt, trang điểm nhẹ nhàng, vòng vèo phụ kiện đầy tay. Còn đàn ông thì luôn sơ mi chỉn chu và râu tóc chăm sóc tỉ mỉ.
Đặc biệt, bạn sẽ rất hiếm gặp hình ảnh đàn ông Ý mặc sơ mi ngắn tay hoặc đi tất trắng khi đóng vest.
Mà không chỉ người trẻ, cả các cụ già Ý cũng luôn rất thời trang khi ra đường. Khá nhiều cụ nhuộm tóc, trang điểm, sơn móng tay hoặc nước hoa thơm phức.
Bất kì trong trong hoàn cảnh nào thì người Ý luôn cố gắng ăn mặc đẹp để nổi bật nhất trong đám đông. Chính vì vậy, ở Ý chỉ ngồi ngoài quảng trường ngắm người thôi cũng thấy rất thích.
Ví dụ 2: Mời khách tới nhà
Khi người Ý mời khách tới nhà, họ muốn khách được cảm thấy được chào đón và có ấn tượng tốt về mọi thứ. Chính vì vậy, chủ nhà sẽ chuẩn bị rất chu đáo mọi thứ từ phần nhìn đến phần ăn.
Nhà cửa sẽ được lau dọn cho sạch sẽ gọn gàng. Sau đó, bàn ăn được trang trí rất bắt mắt và ấn tượng, từ cách xếp khăn ăn đến chọn đĩa, hay dao nĩa.
Menu các món ăn cũng luôn đầy đủ từ chất lượng đến số lượng. Khách sẽ được ăn một bữa kéo dài cả mấy tiếng từ khai vị đến tráng miệng. Ăn xong mà khách cứ khen nức nở thì coi như là đã “fare bella figura” rồi đó!
Mà ngay cả khách mời cũng muốn tạo ấn tượng tốt với chủ nhà. Cụ thể, việc được mời tới nhà ai đó mà đi tay không thì rất là “quê”. Thường khách mời bao giờ cũng mang rượu, bánh ngọt, hoặc có khi một bó hoa.
Ví dụ 3: Cử chỉ đẹp
Việc tạo ấn tượng tốt ở đây còn được thể hiện thông qua các cử chỉ đẹp và lịch sự trước đám đông.
Đó là sự hào phóng khi một người bạn Ý ngỏ ý mời bạn một ly cà phê.
Đó là khi các bà mẹ Ý luôn căn dặn con mình phải cư xử lịch sự, không la hét hay làm những hành động bẽ mặt “gia đạo” ở nơi công cộng.
Hay khi đi ăn nhà hàng, người Ý cũng rất nhã nhặn và lịch sự. Họ hạn chế dùng tay đụng vào thức ăn, hoặc nhai thức ăn phát ra tiếng. Kể cả cách đặt dao nĩa thế nào cũng rất quan trọng trong việc giao tiếp một cách lịch sự với bồi bàn. Đặc biệt, việc ợ hơi ở nơi công cộng được xem là tối kị.
Xem thêm: 6 điều thú vị có thể làm bạn thay đổi khi sống ở Ý
Người Ý và nỗi ám ảnh “brutta figura”
Vì sao người Ý quan trọng hóa việc tạo ấn tượng tốt với người khác như vậy?
Họ rất quan tâm việc người khác nghĩ gì về mình, vì vậy họ cũng sợ bị đánh giá tiêu cực. Nói đúng hơn là họ sợ bị “brutta figura”, nghĩa là ấn tượng xấu, hay theo ngôn ngữ thường dân là bị mất mặt.
Có một lần, Yến tham gia hỗ trợ cho một gala dinner của một công ty Việt Nam ở Rome. Đến phần thi văn nghệ, các đội tham gia rất hào hứng và biểu diễn rất tự nhiên vô tư.
Lúc đó, cô người Ý bên ban tổ chức đứng xem trầm trồ mãi và nói Yến:
“Tôi rất hâm mộ các bạn. Người Ý chúng tôi sẽ không thể biểu diễn một cách vô tư thế này đâu, do ai cũng sợ mình bị mất mặt với người khác.”
Yến nhớ mãi câu nói này và nghiệm lại thì thấy đúng thật. Ở Việt Nam, có khi lười lười đi dép xỏ ngón mặc đồ xuề xòa đi ăn sáng gần nhà chẳng ai đánh giá gì. Nhưng ở Ý đây là điều không tưởng.
Đối với người Ý, việc sinh ra và lớn lên trong một môi trường đam mê cái đẹp đã khiến tư tưởng “fare bella figura” trở nên rất tự nhiên. Đây cũng là điều tạo nên đặc trưng tính cách người Ý và văn hóa sống ở đây. Chắc cũng nhờ vậy mà ngày nay mới có Armani, Versace, D&G…phải không các bạn?