Lễ phục sinh ở Ý
Văn hoá

Lễ Phục Sinh ở Ý

Lễ Phục Sinh (Pasqua) là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm ở Ý. Ngày lễ Phục Sinh mọi năm thường không cố định, do thường rơi vào ngày chủ nhật sau ngày trăng tròn mùa xuân. Thông thường là trong khoảng cuối tháng 3 và tháng 4.

Ngày lễ Phục Sinh quan trọng không kém ngày Giáng Sinh, vì đây là ngày Chúa Giêsu hồi sinh sau khi bị đóng đinh trên thập giá. Ở Ý không chỉ riêng ngày này mới được tổ chức mà xung quanh đó còn có rất nhiều ngày lễ và sự kiện khác, kèm theo rất nhiều truyền thống văn hóa và ẩm thực.

Các mốc quan trọng trong mùa lễ Phục Sinh ở Ý

Ngày chúa nhật lễ lá và tuần lễ thánh

Một tuần trước ngày lễ Phục Sinh ở Ý có ngày Chúa nhật lễ lá (domenica delle palme, dịch sát nghĩa ngày Chủ nhật cành cọ). Theo Kinh thánh, đây là ngày Chúa Giêsu tới Jerusalem những ngày trước khi chịu khổ hình. Khi Chúa bước vào trong thành thì được đám đông đón tiếp nồng hậu bằng các cành cọ.

Ở Ý do khó tìm được cành cọ nên người Ý thay bằng cành ôliu để tưởng niệm. Đặc biệt, ôliu cũng là biểu tượng của sự hòa bình. Vào ngày này người Ý sẽ cầm cành ôliu có sẵn hoặc lấy ở nhà thờ để xin ban phước. Sau đó họ có thể giữ lại trưng trong nhà hoặc tặng cho người thân để cầu may.

Đây cũng là ngày đánh dấu sự bắt đầu của tuần lễ thánh với rất nhiều sự kiện:

  • Ngày thứ 5 ngay sau đó là ngày kỉ niệm bữa tối cuối cùng của Chúa Jesus. Ở các nhà thờ ngày nay vẫn còn nghi thức rửa chân để tưởng nhớ khoảnh khắc Chúa Giêsu rửa chân cho 12 tông đồ trong bữa tối này.
  • Tiếp đó là ngày thứ 6 Tuần Thánh với Via Crucis (Đàng thánh giá). Đây là ngày Chúa bị đóng đinh nên người theo đạo Công Giáo Roma sẽ giữ chay và kiêng ăn thịt. Thông thường vào ngày này ở Roma Đức Giáo Hoàng sẽ tổ chức Via Crucis ở khu vực Colosseum. Vào năm 1750 khi Via Crucis lần đầu tiên được tổ chức ở Colosseum, Đức Giáo Hoàng Benedict XIV đã thánh hiến Colosseum cho Cuộc thương khó của Jesus và tưởng niệm các thánh tử đạo. Từ đó truyền thống này cứ tiếp diễn hàng năm đến tận bây giờ.

Lễ Phục Sinh (Pasqua)

Ngày Phục Sinh cũng là lúc kết thúc 40 ngày mùa chay (quaresima) và luôn rơi vào ngày chủ nhật. Trong tiếng Ý, Lễ Phục Sinh có tên gọi là Pasqua, vốn dựa nhiều vào nguồn gốc lễ Vượt Qua (Pessach) của người Do Thái. Đây là ngày tượng trưng cho sự sống, sự hồi sinh, và cũng là lúc mùa xuân vừa đến.

Đi lễ nhà thờ, tham gia những lễ hội dân gian, ăn tiệc linh đình cùng người thân (đã là lễ hội ở Ý thì không thể thiếu khoản ăn uống kéo dài hàng giờ đồng hồ), hay các hoạt động ngoài trời là không khí rất đặc trưng của ngày lễ Phục Sinh ở Ý.

Ở Ý có câu “Natale con i tuoi, Pasqua con chi vuoi” (tạm dịch Giáng Sinh với cha mẹ, Phục Sinh với ai mà bạn muốn). Lễ Phục Sinh được nghỉ 3 ngày và thường thời tiết lại đẹp nên vào dịp này không ít người chọn đi du lịch thay vì ở nhà.

Xem thêm: Giáng Sinh ở Ý được tổ chức như thế nào

Lễ Phục Sinh ngày thứ Hai (Lunedì dell’Angelo/ Pasquetta)

Ngày thứ 2 sau Chủ Nhật Phục Sinh ở Ý còn gọi là Lunedì dell’Angelo (Thứ Hai Thiên Thần) hay Pasquetta. Đây là ngày tưởng nhớ cuộc gặp gỡ của Thiên Thần và một số người phụ nữ đến viếng mộ Chúa Giêsu sau ngày Chủ Nhật Phục Sinh. Chính Thiên Thần đã thông báo với họ là Chúa Giêsu đã sống lại và không còn trong mộ.

Ngày này cũng là ngày nghỉ lễ chính thức của Ý. Thông thường vào ngày này nếu trời đẹp người Ý thường hay tổ chức các cuộc dã ngoại, picnic, hay nướng thịt ngoài trời.

Các món ăn đặc trưng mùa lễ Phục Sinh ở Ý

Tuy mỗi một địa phương lại có những món ăn hay lễ hội khác nhau, nhưng nhìn chung có một số món đã trở thành biểu tượng và được tìm thấy ở khắp nơi trên nước Ý.

Trứng

Trứng là biểu tượng của lễ Phục Sinh, vì trứng là biểu tượng của sự sống và hồi sinh.

Theo truyền thống vào ngày này người Ý sẽ ăn trứng luộc. Ở Roma và một số vùng miền Trung Ý, vào bữa sáng thay vì cappuccino và bánh sừng bò như thường lệ thì nhiều nhà thường hay ăn món mặn. Ví dụ như nhà Yến là bữa sáng sẽ gồm trứng luộc và các loại thịt nguội (salumi), đặc biệt là corallina, một loại salame đặc trưng.

Trẻ con thì sẽ nhận được các quả trứng socola to đùng, bên trong thường là có đồ chơi. Vẽ màu lên trứng cũng là một trong những hoạt động mà trẻ con thường hay làm.

Bữa sáng ngày lễ Phục sinh ở Ý với salami và trứng

Thịt cừu

Trong số các món ăn đặc trưng ngày lễ Phục Sinh ở Ý thì thịt cừu là món không thể thiếu. Tùy mỗi vùng miền mà có các cách chế biến khác nhau. Có vùng thì ăn thịt cừu nướng với khoai tây. Có nơi thì lại nấu cùng hành và hương thảo, hay sốt cùng tỏi, hương thảo, rượu vang và cá cơm mặn.

Truyền thống ăn thịt cừu vào Phục Sinh có nguồn gốc từ Do Thái. Trước cuộc di cư khỏi Ai Cập, theo những gì Chúa dặn dò Mosè, người Do Thái sẽ ăn thịt cừu nướng cùng các loại thảo mộc đắng và bánh mì không men. Còn theo Thiên Chúa Giáo, thịt cừu là hiện thân của sự hy sinh của Chúa Giesu trên thập tự giá. Cừu cũng thường được gắn liền với ý nghĩa của sự sống, do cừu cung cấp thịt để ăn, len để mặc và sữa để uống.

Bánh Colomba

Mỗi vùng của Ý lại có một loại bánh ngọt riêng. Tuy nhiên bánh colomba là bánh ngọt đặc trưng và phổ biến nhất của lễ Phục Sinh. Cứ chừng 1 vài tháng trước dịp lễ khi vào siêu thị ở Ý bạn sẽ thấy bánh được bày bán khắp nơi.

Bánh colomba có hình giống chim bồ câu (colomba trong tiếng Ý có nghĩa là chim bồ câu), vì đây là biểu tượng của hòa bình và sự cứu rỗi. Nhân bánh mềm xốp có lẫn kẹo vỏ cam, khá giống bánh panettone, còn bên trên được phủ một lớp gel cùng hạnh nhân. Bánh được ra đời vào những năm 30 đầu thế kỉ thứ 20 từ hãng Motta ở Milan, vốn cùng một “lò” với panettone. Ngày nay ngoài hương vị cổ điển bánh colomba được các hãng chế biến ra rất nhiều hương vị khác như nhân chanh, kem, socola, v.v..

Bánh colomba là bánh ngọt đặc trưng của lễ Phục Sinh ở Ý
Bánh colomba. Nguồn Unsplash

Ngày lễ Phục Sinh ở Ý tràn ngập không khí vui vẻ do cùng vào thời điểm mùa xuân đến. Nắng ấm, những bữa tiệc gia đình vui vẻ, các chuyến du lịch, dã ngoại làm cho ngày lễ này được mong chờ không kém Giáng Sinh.

Bạn có dịp được tham gia ngày lễ Phục Sinh ở Ý? Nơi bạn ở tổ chức lễ Phục Sinh thế nào? Hãy cùng chia sẻ ở dưới mục phản hồi với Yến nhé!

Gửi phản hồi