đám cưới ở Ý
Văn hoá

Tất tần tật về đám cưới ở Ý

Yến rất thích được đi dự đám cưới ở Ý vì đám nào thấy cũng vui và ý nghĩa. Bản thân mình từng có dịp đi dự một số đám cưới lúc còn sống ở miền Bắc Ý và cả ở Roma. Tuy phong tục tập quán mỗi vùng miền có khác nhau nhưng nhìn chung cũng có một số đặc điểm giống nhau. 

Nếu bạn đang dự tính tổ chức đám cưới ở Ý, được mời đi dự đám cưới hay chỉ đơn giản là tò mò không biết đám cưới bên bển khác đám cưới ở ta thế nào thì đọc liền bài này nha! Đảm bảo sẽ có nhiều thông tin thú vị về đám cưới ở Ý mà bạn có thể chưa biết đó. 

Đám cưới ở Ý có gì hay?

Ở Ý có thể tổ chức lễ cưới tại phường/xã (comune) hoặc trong nhà thờ, rồi sau đó ăn tiệc ở nhà hàng. Hoặc cũng có nhiều cặp tổ chức lễ cưới ở các nhà hàng/ villa rồi ăn tiệc ở đó luôn. Cô dâu và chú rể sẽ chọn cho mình chừng 1-2 người làm chứng (testimoni), thường là bạn bè rất thân hoặc người trong gia đình, họ hàng. Người làm chứng sẽ là người ngồi hai bên đằng sau cô dâu chú rể và kí tên khi lễ cưới kết thúc. Thường quà cưới của người làm chứng cho cô dâu chú rể cũng lớn hơn nhiều so với khách mời thường, và ngược lại. 

Ở Ý có câu “Né di Venere né di Marte, né ci si sposa né si parte”, nghĩa là “tránh ngày thứ sáu tránh ngày thứ ba, tránh kết hôn tránh xuất hành”. Nếu người nào mà mê tín sẽ tránh 2 ngày này để kết hôn, còn không đa phần cứ chọn ngày nào mùa nào mình thích rồi tiến hành thôi. Rồi sau đó tùy thuộc vào nhà thờ và nhà hàng thì ngày cưới sẽ được ấn định. Bây giờ đa phần các cặp chọn cưới vào cuối tuần, nhưng cũng không ít người chọn cưới trong tuần để tiết kiệm.

Mùa cưới cao điểm thường là tháng 6 và tháng 7 do thời tiết nắng ấm, ổn định và ít mưa. Tháng 8 thường ít người chọn do nắng nóng và đây là mùa nghỉ lễ mùa hè. Mùa xuân (4,5) và thu (9,10) cũng hay được chọn nhưng do thời tiết nắng mưa thất thường nên không cao điểm bằng tháng 6 và 7.

Đám cưới trong nhà thờ ở Ý
Đám cưới trong nhà thờ ở Ý

Theo như Yến thấy, váy cưới cô dâu Ý chủ yếu là mua chứ dịch vụ thuê dù có cũng không nhiều. Khác với Việt Nam, ở Ý các cặp ít khi chụp hình pre-wedding với đồ cưới mà trong ngày cưới, sau khi tổ chức xong ở nhà thờ và xuyên suốt bữa tiệc ở nhà hàng thì cô dâu chú rể sẽ được chụp hình riêng. 

Đa phần các đám ở Ý chủ yếu mời khách là những người thân nên đám tầm 150 người là cũng xôm rồi. Nhiều đám Yến đi khách chỉ tầm 70-80 người. Tuy nhiên, càng về phía Nam thì đám cưới càng được tổ chức rầm rộ đình đám, có nơi số lượng khách lên tới 300-500 người như ở Việt Nam.

Phong tục cưới ở Ý

Trước ngày cưới

Trước đám cưới, tùy vào ý muốn của cô dâu chú rể bạn bè sẽ tổ chức tiệc chia tay độc thân, thông thường được khởi xướng bởi người làm chứng (testimoni). Nhân vật chính hoàn toàn không phải lo gì về khâu tổ chức từ nội dung đến cả phần chi trả. Ý tưởng tổ chức thì vô vàn lắm, nếu đơn giản thì đi ăn uống, spa, còn không thì cả hội sẽ vi vu đâu đó vài ngày với rất nhiều bất ngờ cho nhân vật chính.

Theo phong tục, dù trước khi cưới cô dâu chú rể có sống chung thì đêm trước khi cưới hai người cũng phải ở riêng. Ở một số tỉnh miền Nam, đặc biệt là vùng Sicilia, Campania và Calabria, vẫn còn phổ biến truyền thống tổ chức “la serenata”. Vào buổi tối trước ngày cưới, chú rể sẽ sang nhà cô dâu, sau đó sẽ hát hoặc mời ban nhạc hát cho cô dâu với sự chứng kiến của bạn bè, gia đình và những người thân gần nhà. Theo đúng “thủ tục” thì cô dâu chỉ được biết về chi tiết đêm nhạc khi đứng trên ban công nghe chú rể hát. Sau khi phần văn nghệ kết thúc sẽ có bữa tiệc nhẹ tại nhà cô dâu. Yến có dịp được tham dự 2 đêm serenata ở Roma và rất thích, vì khá vui và lãng mạn.

Lễ cưới ở Ý

Một số cô dâu có thể sẽ mời khách thân thiết đến nhà mình vào buổi sáng. Sau đó cả đoàn xe sẽ đến nơi làm lễ trong tiếng còi xe inh ỏi rất vui tai. Điều này cũng thường được làm khi đoàn khách mời đi từ nơi làm lễ tới nhà hàng. Ý nghĩa của việc bấm còi hay dùng vật tạo ra tiếng động gần cô dâu chú rể có từ thời xưa, vốn để xua đuổi tà ma hay điều xui xẻo.

Nơi làm lễ thường là nhà thờ nếu cặp nào theo đạo, trụ sở phường/ xã, hoặc có nhiều người làm lễ ngay tại nhà hàng, nếu nhà hàng có khuôn viên rộng.

Theo phong tục, khi làm lễ ở nhà thờ hoặc villa, khách mời phải đến nơi làm lễ trước cô dâu. Sau đó đến lượt chú rể khoác tay mẹ mình tiến vào lễ đường, và chờ cô dâu được cha dẫn vào. Thường cô dâu luôn đến muộn hơn một tí, vì phải chờ tất cả mọi người vào chỗ rồi mới bước vào. Khoảnh khắc cô dâu tiến vào lễ đường rất linh thiêng và xúc động. Vì đây cũng là lần đầu tiên chú rể được nhìn thấy cô dâu trong váy cưới.

Sau lễ cưới khi cô dâu chú rể bước ra ngoài sẽ được mọi người tung gạo rất vui. Điều này tượng trưng cho lời chúc phúc cho cuộc sống thịnh vượng và sung túc. Tuy nhiên, ngày nay một số cặp cũng không thích tuân theo truyền thống mà thay gạo bằng bong bóng, bong bóng xà phòng, hay tung hoa giấy.

đám cưới ở Ý: cô dâu chú rể được tung gạo khi bước ra từ nhà thờ
Cô dâu chú rể được tung gạo khi bước ra từ nhà thờ

Tiệc cưới tại nhà hàng

Thông thường nơi được chọn làm tiệc cưới ở Ý thường là các villa, nhà hàng, khách sạn có sân vườn rộng. Những lần đầu đi ăn cưới ở Ý Yến rất thích vì không gian tiệc cưới rất đẹp và thoáng đãng, nhiều cây xanh hoặc ao hồ.

Thường tiệc cưới ở Ý bắt đầu với aperitivo (rượu khai vị), rồi các món khai vị (antipasti). Trong các đám cưới Yến từng đi thì phần khai vị là buffet bên ngoài sân vườn. Khách mời sẽ đến nhà hàng trước và bắt đầu ăn khai vị, trong khi cô dâu chú rể đi chụp hình. Sau đó khi cô dâu chú rể đến, ăn khai vị xong thì tất cả mọi người mới vào trong sảnh nhà hàng để ăn trưa hoặc tối. Có một số nơi ở miền Nam thì phần khai vị là ăn luôn trong sảnh chính nơi ăn trưa hoặc tối.

Menu chính luôn bao gồm 2 món primi (pasta hoặc risotto), rồi sau đó là 1 hoặc 2 secondi (thịt/ hải sản). Nếu có cả thịt và hải sản thì giữa 2 món luôn có sorbet để tráng miệng và giúp cảm nhận món ăn tốt hơn. Kết thúc bữa ăn luôn là màn cắt bánh cưới rồi buffet tiệc ngọt. Xuyên suốt bữa tiệc sẽ có các màn giải trí khác nhau tùy vào sự sắp xếp của cô dâu chú rể và bạn bè. Có thể là nhảy nhót, chơi trò chơi hoặc một vài khách thân thiết sẽ đọc bài phát biểu.

Xem thêm: Ăn uống ở Ý: Ăn thế nào và sao cho phù hợp

Thời gian ăn tiệc ở đây cũng rất khác nhau tùy phong tục vùng miền. Như ở Roma tiệc cưới không kéo dài lâu, thường là 6 tiếng từ khai vị đến kết thúc. Nhưng ở miền Nam tiệc cưới có khi kéo dài từ trưa tới tối, do menu nhiều món hơn và giữa các món cũng nghỉ lâu hơn.

Sau khi đám cưới kết thúc, khách mời trước khi đi về sẽ được cô dâu chú rể tặng quà cảm ơn (bomboniere). Có một số cặp ngày nay có thể không chọn quà cưới hoặc nếu có cũng rất đơn giản, kiểu để quyên góp hội từ thiện.

Khách mời đi dự đám cưới ở Ý

Câu hỏi Yến thường gặp nhất là: Đi cưới ở Ý tặng quà hay tặng tiền? Nếu tặng thì tặng bao nhiêu?

Ngày trước khi các cặp không sống chung hoặc có nhà riêng trước khi cưới thì có thể có danh sách quà cưới. Nhưng ngày nay nhiều cặp khi cưới đã sắm sửa đầy đủ rồi nên đa phần khách đi tặng tiền là chính. Mà bây giờ thời đại công nghệ khách có thể chuyển khoản thẳng cho cô dâu chú rể luôn. Một số cặp có thể in mã số tài khoản trên thiệp cưới để “nhắc khéo” mọi người ủng hộ chuyến du lịch trăng mật.

Tặng tiền bao nhiêu thì đủ? Câu trả lời tùy vào mức độ thân thiết giữa khách mời với cô dâu chú rể. Nhưng thường Yến thấy mức trung bình là 150€/ người, vì tiền ăn ở nhà hàng không cũng đã tầm đó. Nếu mối quan hệ thân thiết thì có thể tặng nhiều hơn. Họ hàng ruột thịt trong gia đình ở Ý thường tặng quà rất lớn, có khi lên tới 1000€.

Các bạn nhớ chú ý là đi cưới bên Ý thì phụ nữ tránh mặc váy trắng hoặc màu gần giống màu trắng, vì màu trắng là của cô dâu. Váy màu đen thường được tránh mặc ban ngày, còn ban đêm thì không sao. Váy dài hay được chọn mặc cho tiệc đêm, còn tiệc ban ngày mặc váy ngắn đến đầu gối cũng được. Nhưng nói chung tất cả tùy ở sở thích của bạn.


Đây chỉ là một số điều chung về đám cưới ở Ý, còn lại ở mỗi vùng miền có thể sẽ có thêm một số phong tục khác nhau. Bạn từng đi đám cưới ở Ý chưa? Hay chỗ bạn có phong tục cưới gì khác? Bạn hãy chia sẻ cùng Yến ở phần bình luận nhé!

Gửi phản hồi