Văn hóa Ý và Việt Nam: Giống và khác nhau chỗ nào?
Văn hoá

Văn hóa Ý và Việt Nam: Giống và khác nhau chỗ nào?

Để mà so sánh hai nền văn hóa thì tất nhiên không tránh khỏi sự khập khiễng do có nguồn gốc khác nhau. Tuy nhiên, có một số điểm giống và khác nhau giữa văn hóa Ý và Việt Yến thấy rất thú vị nên hôm nay muốn chia sẻ với mọi người.

Văn hóa Ý và Việt Nam: Sự giống nhau

Ủa Tây mà cũng giống Ta nữa hả?

Giống chứ, nhiều điểm giống nữa là khác! Trong bao năm sống ở Ý đã không ít lần Yến và cả bạn bè đều không ít lần thốt lên: “Trời, sao mà giống Việt Nam dữ!”. Mọi người đọc coi có thấy đồng tình không nha!

Gần gũi với gia đình

Đây là điều đầu tiên Yến nhận thấy được ở cả 2 nền văn hóa.

Cũng giống như Việt Nam, ở Ý ngoại trừ trường hợp đi học hoặc làm xa, nhiều nhà con cái khi trưởng thành vẫn sống cùng bố mẹ cho tới khi kết hôn. Hoặc nếu không sống cùng nhà thì việc con sống sát vách, cùng chung cư hoặc gần khu nhà bố mẹ vẫn rất phổ biến. Bởi vậy, việc mẹ chồng nàng dâu đụng mặt nhau không phải hiếm.

Ngoài lí do truyền thống văn hóa, thì việc sống cùng bố mẹ ngày nay cũng là giải pháp để giới trẻ đỡ gánh nặng kinh tế khi tìm việc ngày càng trở nên khó khăn.

Văn hóa Ý đặc trưng ở sự gần gũi gia đình
Ảnh từ Unspash

Yến nhận thấy khá nhiều bố mẹ Ý bảo bọc con cái. Không ít trường hợp bố mẹ giúp đỡ con cái về tài chính hoặc mua nhà cho con dù con đã lớn.

Chính vì sự gần gũi và quan tâm lẫn nhau như vậy, người Ý rất thích quây quần, tụ họp gia đình. Ngày chủ nhật thường là ngày mọi thành viên mọi thế hệ của gia đình gặp gỡ và ăn uống các món truyền thống. Mỗi bữa ăn có khi kéo dài từ trưa tới chiều và mọi người đều chuyện trò rôm rả.

Có thể vì quen sống trong văn hóa gần gũi với gia đình nên đàn ông Ý mới hay được gọi là mammone (mama’s boy) chăng? Khá nhiều anh khi đi xa ngày nào cũng gọi điện tâm sự với mẹ hoặc cứ có chuyện gì là gọi hỏi ý kiến mẹ. Được cái cũng chính vì vậy mà đàn ông Ý sống rất tình cảm và tâm lý với bạn gái (đã kiểm chứng và xác nhận 😛).

Tư tưởng truyền thống

Ở Ý một vài năm gần đây xã hội bắt đầu cởi mở hơn về việc người đồng tính yêu hoặc kết hôn với nhau. Nhưng nhìn chung so với nhiều nước phương Tây khác, tư tưởng ở Ý về chuyện này vẫn còn khá truyền thống. Có thể do sự ảnh hưởng lớn của Vatican và nhà thờ Công giáo.

Nói về vụ sống chung và có bầu trước khi cưới, hầu như người Ý suy nghĩ khá thoáng. Tuy nhiên tư tưởng truyền thống vẫn còn thấy rõ ở một số vùng quê, đặc biệt ở miền Nam Ý.

Hôm trước Yến nghe mẹ chồng nói một câu mà thấy hết hồn, vì thấy giống Việt Nam quá. Mẹ chồng Yến kêu ở quê chồng vùng Basilicata (làng khá là nhỏ), khá nhiều người vẫn chưa cởi mở việc chưa cưới mà có con. Nên có người khi có bầu về quê cứ nói đã cưới rồi cho mọi người đỡ đánh giá.

Hoặc, hồi đó có lần Yến nghe cô bạn kể khi về quê ở miền Nam Ý, mẹ chồng tương lai xếp 2 cái giường riêng cho 2 người, do 2 người chưa kết hôn.

Mọi người nghe có thấy quen quen giống đâu đó ở Việt Nam không?

Vào “biên chế” nhà nước

Ai từng xem phim hài Quo vado? của Checco Zalone có nhớ chi tiết ước muốn tìm được posto fisso (chỗ làm ổn định trong cơ quan nhà nước) của người Ý?

Cái này là sự thật nha. Với tình hình thất nghiệp cao, khá nhiều người Ý vẫn muốn tìm được một chỗ chắc chân trong cơ quan nhà nước (hay như tiếng Việt là vào biên chế). Lí do là lương tốt, làm việc nhàn mà không lo mất việc.

Điều này Yến thấy khá giống với miền Bắc Việt Nam. Chỉ khác là ở Ý nạn chạy tiền để có việc làm không nhiều như ở Việt Nam.

Có một cái nữa Yến thấy khá giống là ở Ý cũng rất quan trọng sự quen biết khi đi tìm việc. Bên cạnh việc rải CV trên các kênh tìm việc chính thống, khá nhiều người Ý tìm việc thông qua sự quen biết hoặc giới thiệu của gia đình và bạn bè.

Ẩm thực đa dạng vùng miền

Hầu như mọi người chỉ biết đến ẩm thực Ý thông qua pizza và mì Ý. Tuy nhiên, cũng giống như ở Việt Nam, ẩm thực Ý có sự đa dạng vùng miền rất lớn. Cứ mỗi một nơi lại có những đặc sản riêng của mình, dù các món ăn phổ biến vẫn tìm được ở khắp nơi.

Mỗi một lần đi du lịch ở đâu đối với Yến lại là một khám phá mới về ẩm thực. Từ Bắc xuống Nam chỗ nào cũng có các món ngon mà đi mãi vẫn chưa hết món để thưởng thức.

Lên vùng Langhe ở Piemonte thì được ăn nấm cục (truffle) và các món thịt sốt cùng rượu vang ngon tuyệt đỉnh. Xuống vùng Emilia Romagna lại ngập trong các món thịt nguội và phô mai nổi tiếng. Cả tận đảo Sicily ở miền Nam xa xôi cũng là miền đất của ẩm thực với rất nhiều món ngon từ kem gelato, arancini, cannolo, v.v.

Chính vì vậy, các bạn nên tranh thủ thưởng thức nhiều món ăn địa phương khi đi du lịch ở Ý nha.


Văn hóa Ý và Việt Nam: Sự khác nhau

Sự khác nhau của 2 nền văn hóa thì kể ra hoài không hết. Tuy nhiên có 3 điều khác nhau dưới đây Yến thấy rất thú vị nên phải tâm sự chia sẻ liền.

Sở thích ăn uống

Ở đây Yến không bàn đến việc thích ăn món từ bột gạo hay bột mì, vì điều này hiển nhiên rồi. Cái thú vị ở đây là người Ý thích ăn mì al dente (không chín tới mà còn hơi cứng khi nhai), trong khi người Việt mình thích ăn chín mềm.

Xem thêm: Bí kíp ăn mì Ý chuẩn như người Ý

Đối với ai không quen ăn mì al dente khi qua Ý ăn sẽ cảm giác nó còn sượng và chưa chín. Còn đối với nhiều người Ý ăn mì kiểu mềm quá sẽ làm mất vị ngon của pasta.

Còn vụ ăn rau thì lại tréo ngoe hoàn toàn nè. Người Việt mình thường ăn rau luộc vẫn còn hơi giòn giòn, nhưng người Ý luộc là phải mềm nhừ thiệt nhừ! Trời ơi, ăn mà cảm thấy như không còn chất gì. Khi người Ý ăn rau kiểu người Việt thì người ta lại nói chưa chín.

Bởi, văn hóa và ẩm thực Ý-Việt khác nhau làm sở thích ăn uống cũng trái nhau hoàn toàn.

Quan niệm về cái đẹp

Người Việt mình, cũng như nhiều nước châu Á khác quan niệm con gái đẹp phải da trắng rồi gò má không cao. Cho nên các sản phẩm làm đẹp ở Việt Nam chủ yếu quảng cáo yếu tố làm trắng da. Các cô gái cũng đua nhau đi tắm trắng để nổi bật nhất.

Nhưng người Ý, hay nhiều nước phương Tây khác, ưa chuộng vẻ đẹp cá tính và làn da nâu bóng. Gò má cao ở đây cũng không được xem là xấu mà lại đẹp. Ở các cửa hàng mĩ phẩm mùa hè cũng nhan nhản các kem để nhanh bắt nắng và nâu da. Hoặc cô nào mà không có nhiều thời gian tắm nắng thì đi nằm đèn để da nâu nhanh hơn.

Văn hóa Ý: Người Ý rất thích làn da nâu bóng khỏe khắn cá tính
Ảnh từ Pexels

Da trắng ở đây bị xem như điều gì kinh khủng lắm. Có lần cô bạn cùng nhà cũ của Yến đợt hè thốt lên: “trời ơi đùi tao trắng quá, ngại mặc quần short kinh khủng!”. Hoặc không ít lần anh chồng của Yến góp ý với vợ: “Da em trắng quá, phải phơi nắng nhiều lên nhé!”.

Bởi vậy, sống ở Ý riết rồi bị nhiễm luôn tư tưởng này và không còn chạy theo mốt da trắng nữa.

Sự chú ý về nhà cửa

Có 1 điều Yến nhận thấy được sau khi đến thăm một số gia đình người Ý. Họ giữ nhà cửa cực kì kĩ càng. Bồn rửa chén và bếp lúc nào cũng sáng bóng khô ráo. Khá nhiều vật dụng sau 10 hay 20 năm nhìn như mới và hoạt động rất tốt.

Ngoài việc dùng các sản phẩm tẩy rửa ở siêu thị, phụ nữ Ý cũng rất chú trọng sử dụng các chất như dấm, amoniac, cồn..khi vệ sinh nhà cửa. Họ xếp ga giường cũng rất đẹp và luôn phẳng phiu. Nhiều bà mẹ mà kĩ tính còn ủi cả ga giường hay khăn trải bàn.

Người Việt mình cũng giữ vệ sinh nhà cửa nhưng nhìn chung dễ tính hơn tí. Khá nhiều người lau dọn nhà cho sạch cơ bản, chứ ít chú ý đến chi tiết từng thứ. Sau khi sống ở Ý một thời gian Yến cũng học được rất nhiều trong việc lau dọn và giữ kĩ nhà cửa.

Xem thêm: 6 điều thú vị có thể làm bạn thay đổi khi sống ở Ý


Bài này được viết dựa vào sự quan sát và trải nghiệm cá nhân qua những gì Yến thấy và nghe kể từ người Ý mình biết. Hy vọng bài viết phần nào giúp bạn có thêm một góc nhìn thú vị về cuộc sống và văn hóa ở Ý.

Nếu bạn đồng tình với bài viết này thì hãy chia sẻ cho mọi người. Còn không? Bạn để lại phản hồi cho Yến biết những trải nghiệm hay quan sát khác của bạn nhé!

Gửi phản hồi